Cục ATTP, Bộ Y tế liên tục khuyến cáo: Các loại giò, chả, bún, bánh đúc,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa hàn the. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ngày Tết, tuyệt đối không sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, vấn đề đảm bảo ATTP lại nóng lên từng ngày. Việc tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được các cơ quan chức năng, các ban ngành và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt. Trong các vấn đề nhức nhối nhất về ATTP, thì việc sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm là chuyện nói rồi, nói mãi, nhưng vẫn vi phạm.
Để cảnh báo những nguy hại tiềm ẩn khi sử dụng hàn the, hàng năm Cục ATTP, Bộ Y tế đều đưa ra những khuyến cáo bằng văn bản, các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông báo chí, tổ chức phát tờ rơi, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương tổ chức tập huấn trực tiếp,… Tình trạng sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm đã giảm, nhưng vẫn còn có nhiều trường hợp lén lút sử dụng trong thời gian qua.
Hàn the.
Theo Cục ATTP, hàn the là một loại hợp chất hóa học còn có tên gọi là Borax, có dạng rắn, kết tinh màu trắng, mềm, dễ dàng hòa tan trong nước. Vì là một chất hóa học có tính ứng dụng cao nên ở Việt Nam hàn the không bị cấm buôn bán. Tuy nhiên, trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm, hàn the là một chất không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.
Nhiều cá nhân và đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn né luật để sử dụng hàn the bởi vì nó có khả năng chống nấm mốc, giữ thực phẩm tươi lâu, màu sắc bắt mắt, tăng độ dẻo dai. Các loại thực phẩm phổ biến hay bị sử dụng hàn the như: các loại bún, phở, bánh cuốn, bánh tẻ, bánh đúc, giò, chả, các loại thực phẩm đông lạnh,… Trong dịp Tết, các loại thực phẩm này đều được tiêu thụ mạnh nên người dân cần đặc biệt cảnh giác không sử dụng thực phẩm chứa hàn the.
Giò, chả là những thực phẩm thường bị sử dụng hàn the trong quá trình chế biến.
Cục ATTP cảnh báo khi sử dụng 5g hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính. Sử dụng hàn the với liều lượng thấp, thời gian kéo dài gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng tới tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa chất dinh dưỡng, gây tổn thương gan, thận, não. Phụ nữ có thai sử dụng thực phẩm có hàn the gây độc hại cho thai nhi. T.rẻ e.m sử dụng thực phẩm có hàn the sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển.
Nội dung tờ rơi khuyến cáo không sử dụng hàn the của Cục ATTP năm 2019.
Nếu vô tình ăn phải thực phẩm chứa hàn the, cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi của cơ thể. Ngộ độc cấp tính gây xuất hiện các biểu hiện như: buồn nôn, xuất huyết đường tiêu hóa, hôn mê, co giật, rối loạn nhịp tim, xuất hiện ban đỏ trên da, suy thận… Ngộ độc mạn tính gây ra các biểu hiện như: mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, da xanh xao, rụng tóc, suy nhược cơ thể không phục hồi được.
Tác hại của hàn the đối với sức khỏe con người đã được cảnh báo từ rất lâu. Bên cạnh những khuyến cáo của Cục ATTP được tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên. Mỗi một người sản xuất, chế biến thực phẩm cần có ý thức tự giác chấp hành quy định sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục cho phép. Mỗi người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc từ những cơ sở uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm và cấp giấy phép chứng nhận đảm bảo ATTP.
Quang Huy
Theo vietnamnet
Nhận biết nấm độc và xử trí ngộ độc nấm
Ở Việt Nam có khoảng 50-100 loại nấm độc khác nhau. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ t.ử v.ong lại rất cao.
Phòng chống ngộ độc nấm là một trong những nội dung tuyên truyền của Cục An toàn thực phẩm trong dịp cuối năm 2019 và đầu xuân năm mới 2020.
Nấm là một loại thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận biết được đâu là nấm độc, đâu là nấm ăn được.
Vào ngày 23/6/2019 vừa qua tại tỉnh Sơn La, một gia đình 5 người đã bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, trong đó một người đã bị t.ử v.ong. Đây chính là một lời cảnh tỉnh cho việc nhiều người dân chưa phân biệt được các loại nấm khác nhau, dẫn đến việc vô tình ăn phải nấm độc, hậu quả khó lường. Nhất là khi vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, nhiều loại nấm tự nhiên mọc ở khắp nơi, người dân tùy tiện hái về làm thức ăn.
Để nhận diện nấm độc có thể căn cứ theo những đặc điểm sau: Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc; Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.
Các loại nấm độc thường thấy ở Việt Nam:
Nấm độc tán trắng (Amanita verna): Loại nấm này thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác. Mũ nấm có màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống.
Nấm độc tán trắng.
Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5 – 10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống. Phần cuống nấm cũng có màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi thơm dịu. Độc tố chính của nấm độc tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao.
Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa): Chúng thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc. Mũ nấm có đặc điểm màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống.
Nấm độc trắng hình nón.
Khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4 – 10 cm. Phiến nấm và cuống nấm đều có màu trắng. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi khó chịu. Độc tố chính của loại nấm này cũng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao.
Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa): Loại nấm này thường mọc ở rừng nơi có nhiều lá cây mục nát.
Nấm mũ khía nâu xám
Loại nấm này có mũ hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ, đường kính mũ nấm 2 – 8cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm. Thịt nấm màu trắng. Độc tố chính là muscarin rất nguy hiểm.
Nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites): Loại nấm này mọc rất nhiều ở gần chuồng trâu bò, bãi bỏ, ruộng ngô, ruộng lạc, đống rơm.
Nấm ô tán trắng phiến xanh.
Mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ: 5 – 15 cm . Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm) lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc. Cây nấm dài 10 – 30 cm. Thịt nấm màu trắng. Độc tính của nấm ô tán trắng phiến xanh thấp, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.
Để phòng ngừa ngộc độc nấm, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không hái nấm khi chưa xòe mũ vì khó nhận dạng. Nấm hái xong nấu ăn ngay, không ăn nấm dập nát, ôi thiu dễ hình thành độc tố.
Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Theo cục VSATTP/vietnamnet